1/ Cảnh báo
Hiện nay, an toàn giao thông đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, ngay trong môi trường học đường, vấn đề an toàn giao thông cũng được chú trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh về việc chấp hành luật lệ giao thông. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ, chỉ một phút giây bất cẩn, tai nạn giao thông có thể xuất hiện và gây nên nỗi đau thương, mất mát cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Từng ngày, từng giờ, những vụ tai nạn giao thông vẫn liên tiếp cướp đi sinh mạng của biết bao người, gây thương tích, tàn phế và đem đến nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được cho những người thân của họ.
2/ Thực trạng
Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh diễn ngày càng nhiều, những sự việc đau lòng ấy đã rung lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng gia tăng tai nạn giao thông đối với lứa tuổi học sinh. Nhiều em vẫn chưa có ý thức khi tham gia giao thông, chẳng hạn như: điều khiển xe vượt quá tốc độ cho phép, chở người quá số lượng quy định, dàn hàng ngang, không chú ý quan sát tín hiệu giao thông, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe,…đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm.
3/ Nguyên nhân
Phần lớn nguyên do vi phạm giao thông của học sinh đến từ việc: chưa sắp xếp giờ giấc hợp lí dẫn đến việc điều khiển xe tới trường với tốc độ nhanh; dàn hàng ngang để nói chuyện; không chú ý hiệu lệnh, tín hiệu đèn giao thông;… Đặc biệt nhiều em còn giữ quan điểm đội mũ bảo hiểm sẽ khiến bản thân xấu đi, sợ hỏng nếp tóc mình mới mất công tạo kiểu và chỉ khi đi qua các ngả đường có chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông thì mới sử dụng mũ bảo hiểm.
4/ Giải pháp
- Đối với những bạn đi bộ đến trường: tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, đi trên hè phố, lề đường bên phải; qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường, nếu không có tín hiệu đèn và vạch kẻ đường thì cần quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường; không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
- Đối với những bạn đến trường bằng xe đạp: tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, đi đúng phần đường quy định, đi về phía bên tay phải; không được đi hàng ngang; không đánh võng; không cười đùa; không được buông thả cả hai tay khi đang điều khiển xe; không đèo quá một người, tức là chỉ được đi tối đa hai người trên một xe đạp; khi muốn rẽ sang đường, phải phanh giảm tốc độ, quan sát kĩ trước sau, khi thấy đảm bảo an toàn mới được rẽ sang.
- Đối với những bạn đến trường bằng xe máy, xe đạp điện: không điều khiển môtô, xe gắn máy có dung tích xi - lanh từ 50cm3 trở lên; tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; cả người điều khiển và người ngồi sau xe máy, xe đạp điện đều phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có cài quai đúng quy cách; đi đúng vận tốc cho phép, không phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng, dàn hàng ngang, luồn lách; không sử dụng điện thoại khi lái xe.
- Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần tích cực, tự giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; thường xuyên nhắc nhở con em về vấn đề an toàn giao thông; không giao xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi - lanh từ 50cm3 trở lên cho con em mình khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để đảm bảo an toàn cho con em khi tham gia giao thông.